Cơn sốt của đại dịch covid - 19

CƠN SỐT ĐẠI DỊCH COVID-19

 Khoảng cuối năm 2019, thế giới phải đối diện một cơn khủng hoảng rất lớn về tinh thần, nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của con người đó chính là Đại dịch covid-19. Tính tới thời điểm này thì đại dịch Covid-19 đã len lỏi tới 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với gần 2 trăm triệu người bị nhiễm và gần 4 triệu ca đã tử vong và còn ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế trên khắp thế giới.

               

 Chúng ta có thể thấy rằng, đây là một đại dịch vô cùng lớn, sức lây lan của nó rất nhanh và chóng mặt. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm đưa nhân loại thoát ra khỏi cơn đại dịch này, biết bao nhiêu năng lượng, chất xám, tài chính kinh tế trên thế giới đã và đang phải đổ ra để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Theo nhận định chung thì tất cả các quốc gia đều phải chung tay giúp đỡ nhau các nước có Vaccine cùng nhau chia sẻ để thế giới sớm được ổn định, mỗi con người đều phải đồng lòng, góp sức để đẩy lùi dịch bệnh, mỗi cá nhân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh thì đó là đang góp phần cùng thế giới đẩy lùi bệnh dịch. Đối với người dân Việt Nam, đứng trước đại dịch đang ảnh hưởng tới nhiều tỉnh thành, quận huyện, thì mỗi người dân phải nâng cao tinh thần yêu nước, nghiêm túc thực hiện theo khẩu hiệu 5K của bộ Y tế đó là: “ Khẩu trang- Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế”. Đây giống như một câu thần chú, giúp cho mọi người có thể áp dụng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tất cả cộng đồng đều hưởng ứng tuyên truyền để mọi người nâng cao ý thức phòng chống dịch, và cũng không quên kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những người khó khăn do dịch bệnh gây ra. Mỗi người dân là một chiến sỹ để cùng nhau đồng lòng với Đảng và Nhà nước đánh tan đại dịch Covid-19, để đời sống của người dân được trở lại như cũ. Tại Việt Nam, vào khoảng những tháng đầu năm và giữa năm của năm 2021, dịch bệnh đã quay trở lại và ảnh hưởng rất lớn đối với người dân trên cả nước. Một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó là thành phố Hồ Chí Minh với số ca nhiễm tới ngày 2/8 là gần 90 nghìn ca nhiễm và gần 400 ca đã tử vong, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thành phố đã áp dụng các chỉ thị 15, 16 của chính phủ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh và rất nhiều các biện pháp cấp thiết để hạn chế tối đa sự lây nhiễm, nhưng mỗi ngày với số lượng ca nhiễm ngày càng tăng.

 Trên phương diện tôn giáo, Phật giáo luôn là tôn giáo đồng hành cùng với dân tộc trong các cuộc chiến tranh giành độc lập cũng như xây dựng một đất nước hòa bình thịnh vượng. Trước đại dịch này, các bậc lãnh đạo Giáo hội cũng luôn tuyên truyền tới tất cả tăng ni Phật tử nêu cao tinh thần chống dịch, dừng tất cả các nghi lễ tôn giáo có tập trung đông người, phổ biến rộng rãi sự nguy hiểm và lây lan đối với cộng đồng và xã hội, tổ chức phát quà cho các chiến sỹ, các y bác sỹ, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, để động viên khích lệ tinh thần giúp cho phong trào chống dịch càng mạnh mẽ. Có thể nói rằng, qua đại dịch này đã thể hiện được rõ rệt vai trò tương thân tương ái của đồng bào ta. Từ khắp nơi trên đất nước, hàng chục, hàng trăm xe hàng hóa của các đồng bào Phật tử đã viện trợ cho miền Nam. Các chư tăng ni, Phật tử đã không quản ngại mặc áo blouse để xung phong vào các tuyến đầu chống dịch cùng đất nước, thể hiện tinh thần nhập thế, tinh thần từ bi bác ái của Đạo  Phật.

                   

Thông qua đại dịch này, chúng ta có thể thấy được rằng tiền bạc, vật chất không thể nào giúp ta chống lại được cơn sốt đại dịch này mà chỉ có tình đoàn kết đùm bọc, yêu thương giữa con người với con người, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội và đất nước. Chúng ta nhận chân được rằng đứng trước dịch bệnh thì mạng sống mỗi con người chúng ta thật mong manh giống như tổ Quy Sơn nói “ Vô thường lão bệnh, bất dữ nhân kỳ, triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”. Con người chúng ta cần phải thay đổi lối sống, tư duy, hành động. Dịch bệnh không chừa một ai, nếu ý thức chúng ta kém, hành động theo bản năng ích kỷ thì không chỉ mang đến tai họa cho bản thân mà còn ảnh hưởng tới toàn xã hội và đất nước. Phương châm sống trong đại dịch này là chúng ta phải nâng cao tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện đúng các chỉ thị của chính phủ, bên cạnh đó chúng ta có thể làm các việc thiện như bố thí, phóng sinh, tụng kinh, niệm Phật… để tạo nên những năng lượng thiện lành và đem công đức ấy hồi hướng cho toàn thể nhân loại sớm vượt qua được cơn đại dịch này. Hãy tự cảnh tỉnh bản thân mình, trước mối nguy hại thì tự thắp đuốc lên làm hành trang cho mình, nỗ lực tu tập thiện pháp làm bè để vượt thoát khỏi biển sinh tử.
TG : Thichducnhu - hanhhien